Hội thảo chuyên đề Quản lý thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu với các chuyên gia ĐH Kyoto, Nhật Bản

 

 

GS. Yasuto Tachikawa trình bày công trình nghiên cứu

Ngày 6/9/2017 Khoa Thủy văn và tài nguyên nước đã chủ trì buổi hội thảo chuyên đề Quản lý thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu của GS. Yasuto Tachikawa – Giáo sư đầu ngành về thủy văn học và tài nguyên nước Trường Đại học Kyoto , Giáo sư đã trình bày công trình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước. Trong đó sử dụng kịch bản mới nhất với độ phân giải không gian chi tiết đến 20km, hướng tới sẽ là 5km.

PGS.TS. Hoàng Thanh Tùng – trình bày nghiên cứu

PGS.TS Hoàng Thanh Tùng – Phó trưởng khoa Thủy văn và tài nguyên nước cũng đã trình bày nghiên cứu về dự báo thủy văn cho lưu vực Sông Hồng, tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy cũng như đến tính toán thủy văn thiết kế.

Thực tế tại Việt Nam, Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5˚C trong vòng 70 năm; số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ; hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm…

BĐKH cũng ảnh hưởng tới môi trường an ninh quốc gia do Việt Nam có khoảng 2/3 tổng lượng nước là từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào. BĐKH làm suy thoái tài nguyên nước, trong khi nhu cầu dùng nước của các quốc gia đều tăng lên, làm tăng các bất đồng và xung đột có thể có trong sử dụng chung nguồn nước.

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Chính vì vậy, trong thời gian tới hai bên đã đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc hợp tác trong việc xây dựng bản đồ rủi ro ngập lụt cho lưu vực Sông Hồng do tác động của Biến đổi khí hậu, đặc biệt là có tính toán đến tác động của các trận mưa lũ, các đợt cực hạn do thời tiết nắng nóng.

Có thể thấy, việc hợp tác giữa hai bên đã dần đi vào chiều sâu và thiết thực hơn bằng những việc cụ thể. Những công trình, những cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết những bài toán mang tính xã hội hóa cao. Tất cả điều đó trên cơ sở có chung mối quan tâm và lĩnh vực mà cả hai trường Đại học Thủy Lợi và Đại học Kyoto có thế mạnh.

Thực hiện: Bình Dương